Toàn bộ Cuộc Thương Khó này một lần nữa được tường thuật chi tiết trong phần bài đọc Lời Chúa (Ga 18,1-19,42) với cao điểm là việc Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên cây Thánh Giá, để từ đó, hoàn tất công trình cứu độ mà Chúa Cha đã định sẵn cho loài người. Nơi cây Thánh Giá ấy, tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta được biểu lộ cách trọn vẹn, khi Chúa Con tự nguyện hủy mình ra không, đón nhận cái chết đau thương và vững vàng cho tới khi mọi sự được hoàn tất. Chính từ cạnh sườn bị lưỡi đòng đâm thâu của Người, nguồn ơn cứu độ, nguồn mạch sự sống đời đời được khai mở và tuôn tràn xuống trên toàn thể nhân loại chúng ta.
Sau phần phụng vụ Thánh Thể, với tâm tình cảm tạ và tri ân Đấng Cứu Độ Trần Gian, mọi thành phần tín hữu đã cùng nhau cúi mình tôn kính Thánh Giá. Qua thực hành đạo đức này, người tín hữu không tôn vinh cây thập tự, vốn là khí cụ tàn nhẫn được người Rô-ma xưa dùng để hành quyết các tử tù, nhưng tôn vinh Thánh Giá và Đấng Vô Tội đã treo mình trên đó làm giá chuộc muôn người.
ĐGH Gio-an Phao-lô II, trong bài giảng nhân Đại Hội Giới Trẻ lần thứ XVI (2002) đã nói: “Hỡi các bạn trẻ yêu quý, qua việc tham dự siêng năng và nhiệt tình của các con vào việc cử hành trọng thể này, các con chứng tỏ các con không hổ thẹn vì Thánh Giá. Các con không sợ Thánh Giá Chúa Ki-tô. Trái lại, các con yêu mến và cung kính Thánh Giá, bởi vì Thánh Giá là dấu chỉ Đấng Cứu Thế đã chết và sống lại vì chúng ta. Kẻ nào tin vào Chúa Giê-su chịu đóng đinh và phục sinh thì ca tụng Thánh Giá, như bằng chứng chắc chắn rằng Thiên Chúa là tình yêu.”
“Thập Giá Đức Ki-tô niềm vinh dự của ta. Thập giá Đức Ki-tô đã khơi nguồn ơn thánh hóa. Nhờ máu nước tim Ngài, từ khổ giá tuôn trào mà Ngài thương giải thoát cứu độ ta.”